Mục sư Martin Luther King, Jr là một trong 10 thánh tử đạo của thế kỷ 20, được tạc tượng trên Great West Wall của Điện Westminster tại Luân Đôn, nơi ghi dấu những vĩ nhân của nhân loại.
Bài diễn thuyết này được Martin Luther King đọc vào ngày 28 tháng 8 năm 1963 cho hơn 25 vạn người nghe tại thành phố Wasington. Nơi diễn thuyết là trước cửa nhà tưởng niệm Lincoll.
Tôi rất vui khi hôm nay được tham gia biểu tình thị uy cùng các bạn. Một buổi biểu tình vĩ đại nhất để giành tự do kể từ khi nước Mỹ được thành lập, nó sẽ đi vào sử sách.
Một trăm năm trước, một người Mỹ vĩ đại - chúng ta đang đứng tại chỗ mà linh hồn ông đang an nghỉ, đã ký một văn bản có tên là "Tuyên ngôn giải phóng". Khi pháp lệnh quan trọng này được ban bố, trong tim hàng triệu nô lệ da đen đang chịu đựng sự bất công và đàn áp dã man đã nhóm lên một ngọn lửa hy vọng. Bản tuyên ngôn đã đem đến cho chúng ta một ngày mới vui vẻ, chuẩn bị kết thúc những đêm trường nô lệ.
Nhưng từ đó đến nay đã trải qua một quãng thời gian hàng trăm năm, cuộc sống của họ vẫn rất bi thảm, họ vẫn bị trói buộc bởi sự ngăn cách, kỳ thị. Sau 100 năm, khi cả thế giới đã làm ra rất nhiều của cải vật chất, thì những người nô lệ da đen vẫn sống trong ốc đảo của sự khổ cực. Hôm nay, sau 100 năm những người da đen vẫn bị đẩy ra bên lề xã hội Mỹ, đồng thời họ cũng phát hiện ra mình vẫn là những kẻ lang thang trên chính mảnh đất của mình. Chính vì thế, chúng ta hôm nay đến đây để biểu diễn vở kịch này cho họ thấy.
Với một ý nghĩa nào đó, chúng ta đến thủ đô là để rút những tấm kỳ phiếu đến hạn. Khi những kiến trúc sư của nước cộng hòa viết ra cái được gọi là "Hiến pháp" và "Tuyên ngôn độc lập", dường như có vẻ rất hay, điều đó gần giống với việc họ viết một tấm kỳ phiếu, mỗi người dân Mỹ sẽ đều là người sở hữu hợp pháp tấm kỳ phiếu đó. Tấm kỳ phiếu như một lời hứa, một lời hứa với tất cả người dân Mỹ, không riêng gì những người da trắng mà còn có cả những người da đen, những người da đen được đảm bảo sẽ không bị người khác tước đi quyền lợi trong cuộc sống của mình, quyền được hưởng tự do và mưu cầu hạnh phúc.
Nhưng bây giờ, một điều hết sức rõ ràng rằng, đối với những người da màu từ trước đến nay họ luôn bị khước từ khi muốn nhận những tấm kỳ phiếu đó. Nước Mỹ đã không thực hiện nghĩa vụ "trả kỳ phiếu" đúng hạn của mình. Trong khi những người da đen lại tràn trề hy vọng để có được tấm kỳ phiếu đó, trên tấm kỳ phiếu đó lại ghi một dòng chữ "Chưa đủ tiền". Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn không tin rằng ngân hàng của chính nghĩa sẽ phá sản. Chúng ta không tin ở nước Mỹ, một đất nước với một ngân khố khổng lồ lại có chuyện "chưa đủ tiền".
Cho nên, kỳ hạn rút kỳ phiếu của chúng ta đã tới, hãy rút những tấm kỳ phiếu đem lại cho chúng ta của cải, sự bảo đảm tự do và chính nghĩa.
Chúng ta đến một mảnh đất thần thánh và đã đến lúc phải nhắc nhở chính phủ rằng bây giờ là lúc cấp bách. Đây không phải là lúc để chúng ta dùng sự mềm mỏng nhẹ nhàng - một thứ đồ "xa xỉ", cũng không phải là lúc chúng ta dùng một liều thuốc mê có tê "chúng ta đang đến gần với chính nghĩa". Bây giờ là lúc những người da đen cần phải đứng lên từ những chỗ tối tăm cua rmình, là lúc họ cần phải đi theo con đường bình đẳng dân tộc. Bây giờ chúng ta cần phải xây dựng lại một nước Mỹ trước kia được tạo ra trên cơ sở của sự kỳ thị chủng tộc thành một nước Mỹ tràn ngập tình hữu nghị giữa các dân tộc anh em. Bây giờ đã đến lúc chúng ta thể hiện sự bình đẳng giữa những con cháu của thượng đế.
Nếu như chúng ta vẫn tiếp tục không nhận ra tính cấp bách của nó, chắc chắn điều đó sẽ dẫn chúng ta đến sự bất hạnh. Nếu như chúng ta không thực hiện việc bình đẳng - tự do thì sự bất ình hợp pháp của những người dân da đen sẽ chẳng bao giờ lắng xuống. Một mùa thu vàng khiến mọi người thoải mái sẽ chẳng bao giờ đến, một cái nắng chói chang khó chịu của mùa hè vẫn sẽ mãi mãi đeo đuổi chúng ta. Năm 1963 chưa phải là đoạn kết, mà nó chỉ là khúc mở đầu mà thôi.
Nếu như chính phủ Mỹ vẫn cứ cố tình làm theo ý mình, chắc chắn họ vẫn sẽ không bao giờ được yên ổn. Những phái đối lập sẽ không ngừng làm náo động đất nước này cho đến khi họ thấy được ánh sáng của sự công bằng.
Nhưng tôi cũng cần phải nói với những người đang đứng ở cổng vào lâu đài chính nghĩa rằng, trong quá trình giành lấy địa vị hợp pháp cho mình chúng ta tuyệt đối không thể manh động. Chúng ta không thể vì muốn đạt được tự do mà sẵn sàng đối địch và mang trong lòng sự thù hận. Chúng ta sẽ tiếp tục cuộc đấu trabg của mình trên nền tảng của các giá trị và nguyên tắc, với sự tự trọng cao nhất. Chúng ta phải dùng sức mạnh tinh thần để chống lại sức mạnh bạo lực.
Điều đó đã loại bỏ trạng thái đối địch của khối cộng đồng chung những người da đen khiến chúng ta rất khó hiểu, nhưng nó hoàn toàn không gây ra sự mất lòng tin của người da trắng với chúng ta. Rất nhiều những người anh em da trắng, như bằng chứng sự có mặt của các bạn ở đây hôm nay, đã cho thấy vận mệnh của các bạn cũng là vận mệnh của chúng ta và tự do của các bạn cũng gắn liền với tự do của chúng ta.
Chúng ta không thể tiến lên phía trước đơn độc. Mỗi bước tiến lên, chúng ta thề rằng sẽ không bao giờ quay lui, không bao giờ quay đầu lại. Có những người đang hỏi bạn, “Rồi chừng nào bạn mới cảm thấy yên lòng?” Câu trả lời hết sức rõ ràng: Khi nào những người da đen vẫn là đối tượng để cảnh sát đánh đập khủng bố, đến khi nào họ vẫn là những vật hy sinh, lúc đó chúng tôi vẫn không thể yên lòng. Đến khi chúng tôi cảm thấy mệt mỏi trên quãng đường dài và ghé chân vào khách sạn bên đường nghỉ ngơi hoặc một nhà trọ nào đó, chúng tôi vẫn không được chấp nhận, lúc đó chúng tôi còn phải tiếp tục đấu tranh. Đến khi bài cuộc sống của những người da đen vẫn còn bị giới hạn trong một khu dành riêng cho người da đen, chúng tôi vẫn còn bị tước đi quyền tự do bởi những tấm biển đại loại như "Chỉ dành cho người da trắng", chúng tôi vẫn còn chưa hài lòng. Khi mà những lá phiếu của những cử tri da đen tại New York vẫn chưa có hiệu lực thực tế, chúng tôi vẫn còn không hài lòng. Không! Không thể! Không thể hài lòng khi chưa có bình đằng, chưa có chính nghĩa.
Tôi hoàn toàn biết rằng trong số các bạn có những người đã đến đây từ hoạn nạn, đau khổ. Có những người vừa mới ra khỏi xà lim. Có những bạn đến từ những nơi mà cuộc tìm kiếm tự do của bạn bị chà đạp bởi sự ngược đãi cuồng bạo và bị cản trở bởi sự tra tấn tàn bạo của cảnh sát. Các bạn đã trở thành những người giàu sức sáng tạo và biết chịu đựng đau khổ. Vậy các bạn hãy luôn giữ cho mình một niềm tin rằng rồi sẽ có ngày chúng ta sẽ được cứu vớt.
Hãy trở về Mississippi! Hãy trở về Alabama! Hãy trở về Georgia! Hãy trở về Louisiana! Chúng ta biết rằng tình cảnh hiện nay sẽ có thể và chắc chắn được cải thiện. Vậy hãy đừng đắm mình trong nỗi tuyệt vọng. Chúng ta không thể cảm thấy vui khi đang ở trong hố sâu của sự tuyệt vọng.
Hôm nay, tôi muốn nói với mọi người, những người bạn của tôi rằng, dù cho chúng ta phải đối mặt với biết bao nhiêu gian khổ, khó khăn của ngày hôm nay và ngày mai, nhưng chúng ta vẫn có một giấc mơ - giấc mơ bắt nguồn từ nước Mĩ. Tôi mơ rằng, đến một ngày nào đó dân tộc của chúng ta sẽ cùng đứng lên phản kháng, và thực hiện những gì họ đã nói “Chúng tôi cho rằng mọi người sinh ra đều có quyền bình bình đẳng và đó là chân lý”.
Tôi hy vọng: sẽ có một ngày, trên những ngọn đồi ở Georgia, những người con của những người nô lệ và những người con của những người chủ nô trước đây sẽ cùng ngồi bên chiếc bàn thân thiện của tình anh em. Tôi hy vọng, thậm chí một ngày kia, bang Mississippi, một bang ngột ngạt trong bầu không khí của bất công và kỳ thị, sẽ biến thành một bang của tự do và công bằng.
Tôi mơ rằng: rồi sẽ có một ngày, bốn đứa con của tôi được sống trong một đất nước mà ở đó phẩm chất của chúng được đánh giá bởi chính ý chí, nghị lực cá nhân, chứ không phải qua màu da của chúng. Ngày hôm nay, tôi có một giấc mơ.
Tôi mơ một ngày kia bang Alabama, nơi vị thống đốc hiện thời đang luôn mồm nói về quyền can thiệp và vô hiệu hóa [1] sẽ trở thành nơi các trẻ trai và trẻ gái da đen cùng nắm tay các bạn da trắng như anh em một nhà. Hôm nay, tôi có một giấc mơ. Tôi mơ một ngày kia các thung lũng rồi sẽ được lấp đầy, những quả đồi, ngọn núi sẽ được san bằng, mặt đất gồ ghề sẽ trở nên phẳng phiu, những góc quanh co sẽ được uốn thẳng tắp, và sự huy hoàng của Chúa sẽ được bộc lộ và mọi người cùng thấy. Đó là hy vọng của chúng ta. Đó là niềm tin tôi sẽ mang theo về miền Nam. Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ có thể đập tan núi tuyệt vọng thành những viên đá hi vọng. Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ biến những kêu thét bất hòa trong lòng dân tộc thành bản giao hưởng êm ái của tình đoàn kết anh em. Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ cùng sát cánh bên nhau, cùng cầu nguyện, cùng chiến đấu, thậm chí có thể cùng ngồi tù, cùng đứng lên phấn đấu vì tự do, vì chúng ta biết rõ một ngày kia chúng ta sẽ tự do.
Đó sẽ là ngày tất cả những người con của Chúa cùng hòa chung một bài ca: “Quê hương tôi, miền đất thân yêu của tự do, của người tôi hát. Miền đất nơi cha tôi đã nằm xuống, miền đất niềm tự hào của những người hành hương, từ mọi triền núi, hãy ngân vang tiếng hát tự do”. Và nếu nước Mĩ là một đất nước vĩ đại, điều đó nhất định phải trở thành sự thực. Hãy để tự do ngân lên từ những ngọn núi khổng lồ ở New Hampshire. Hãy để tự do ngân lên trên những đỉnh núi hùng vĩ vùng New York. Hãy để tự do ngân lên trên những vùng cao Alleghenies miền Pennsylvania! Hãy để tự do ngân lên trên những đỉnh núi Rockies tuyết phủ của Colorado! Hãy để tự do ngân lên trên những núi đồi tròn trịa của California! Không chỉ thế, Hãy để tự do ngân lên từ những đỉnh núi Stone Moutain của Georgia! Hãy để tự do ngân lên trên ngọn Lookout Moutain của Tennessee! Hãy để tự do ngân lên từ mọi triền đồi và vùng đất cao ở Mississippi. Từ mọi triền núi, hãy ngân vang tiếng hát tự do.
Khi chúng ta để tự do ngân lên, khi tự do ngân lên từ mọi làng quê, mọi thôn xóm, mọi thành phố và tiểu bang, chúng ta sẽ có thể làm cho ngày ấy đến thật nhanh, ngày mà mọi đứa con của Thiên Chúa, dù da trắng hay da đen, Do Thái hay không phải Do Thái, người theo đạo Tin Lành hay công giáo La Mã, tất cả sẽ cùng nối vòng tay hát vang lời ca linh thiêng của người Negro “Tự do đã đến, tự do đã đến, xin cảm ơn Đức Chúa toàn năng, cuối cùng chúng ta đã tự do!”
1) Các quyền của tiểu bang dùng để bảo vệ công dân của họ, theo đó, họ có thể vô hiệu hóa các luật của liên bang. Ở đây MLK muốn nói rằng thống đốc Alabama đang nói về việc sử dụng quyền này để vô hiệu hóa các luật tiến bộ của liên bang liên quan đến địa vị của người da đen trong cộng đồng.
0 Nhận xét