Với nhiều người, diễn thuyết trước đám đông là việc vô cùng khó khăn. Diễn thuyết giống như một môn nghệ thuật, đòi hỏi không những khẩu khiếu mà còn vốn kiến thức sâu rộng, sự tự tin, khả năng làm chủ tình huống…
Tuy nhiên, nếu biết cách, bạn sẽ thấy diễn thuyết trước đám đông chỉ là “chuyện nhỏ”.
Bình tĩnh và thoải mái
Một điều đơn giản trong việc nói trước đám đông là làm sao phải gây được sự chú ý và hồi hộp, chú ý lắng nghe của cử tọa. Cảm giác đứng trước đám đông và trình bày một vấn đề nào đó thường hay làm mọi người mất tự nhiên, ăn nói gượng gạo, thậm chí… đóng băng trên bục diễn đàn.
Lúc ấy, nhịp tim của người diễn thuyết đập nhanh hơn, tay lung túng không biết đặt vào đâu và những ý tưởng chuẩn bị sẵn trong đầu chạy biến đi đâu mất. Kết quả là bài diễn thuyết bị đứt mạch, nhàm chán.
Theo các nhà tâm lý học, khi đứng nói trước đám đông, điều quan trọng là bạn phải luôn nghĩ mình đang ở trong một tình huống đơn giản, tránh làm đầu óc trở nên căng thẳng, luôn trong tình trạng đối phó.
Bạn hãy hiểu rằng, mình đang giao tiếp với mọi người bằng những lời lẽ mang tính trí tuệ, chia sẻ với mọi người những ý tưởng mà bạn đang ấp ủ trong đầu. Trước mặt bạn là 2 người hay 200 người? Đừng để ý đến con số này. Điều quan trọng là để tâm vào bài diễn thuyết, thực hiện đến cùng bài nói của mình và luôn giữ cho nó liền mạch.
Hiểu vấn đề mình định nói
Chúng ta thường lo lắng khi mình phải làm một việc mà mình không nắm vững hoặc hiểu rõ. Rất ít người có tài hùng biện trước đám đông, nhưng đại đa số họ vẫn làm được công việc này nếu họ chuẩn bị bài nói chuyện một cách cẩn thận và chu đáo.
Mấu chốt cho việc chuẩn bị là phải hiểu rõ chủ đề mình định nói. Nếu bạn là Giám đốc Công ty Coca Cola, bạn phải thuyết trình về chiến lược cạnh tranh. Trước tiên bạn phải nắm vững những nét cơ về công ty mình và hiểu rõ thị trường nước giải khát, các đối thủ cạnh tranh.
Bạn nên dành thời gian để cô đọng những ý tưởng cần nói, sau đó tổng kết những ý tưởng này bằng các gạch đầu dòng, sau đó khai triển mở rộng chúng trong quá trình nói. Nếu trong bài nói chuyện có khoảng thời gian dành cho phần hỏi đáp, bạn cần cố gắng tìm tối đa các câu trả lời, để không bị “lố” trước người nghe.
Biết người lắng nghe là ai
Người nghe bạn là những nhà quản lý cao cấp, những nhân vật thành đạt và “siêu phàm”? Điều đó khác rất nhiều với việc bạn đang nói trước các sinh viên. Xác định rõ đối tượng đang lắng nghe mình là một việc làm vô cùng quan trọng. Bạn phải nâng cao trình độ chuyên môn của đề tài mình định nói tùy theo từng đối tượng nghe. Hãy biết cách đưa bài nói chuyện của mình “hợp khẩu vị” với các cử tọa.
Biết mình sẽ nói chuyện ở đâu
Chi tiết này tưởng đơn giản song trên thực tế, địa điểm diễn ra buổi nói chuyện cũng góp một phần không nhỏ trong thành công của bài diễn thuyết. Trước buổi nói chuyện, hãy đến tham quan địa điểm và làm quen vơi những trang thiết bị, cách bài trí ở đây. Bạn phải thử các thiết bị nghe nhìn ở đây xem có đạt được hiệu quả như ý muốn không.
Nói chuyện với 2.000 người sẽ khác hẳn nói chuyện với 30 người. Bạn nên ngồi thử ở những ghế khác, đặt mình vào vai trò cử tọa để từ đó tìm ra cách tiếp cận đối tượng tốt nhất.
Hoạch định trước thành công trong buổi nói chuyện của mình.
Nhiều người bị thất bại trong những cuộc nói chuyện trước công chúng vì họ luôn tưởng tượng rằng họ rất vụng về. Bạn cần có ý nghĩ tích cực hơn để đảo ngược tình thế. Đừng dành thời gian trước buổi nói chuyện để run sợ và lo lắng. Bạn nên dành thời gian để nhớ lại trật tự bài nói, tự hình dung rằng bạn sẽ chuyển tải những ý nghĩ của mình đến cử tọa rất thành công, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Điều quan trọng là bạn phải phác họa được tất cả ý tưởng của mình định nói và hết sức tự tin trong việc hoạch định thành công.
Văn ôn võ luyện
Muốn trở thành người nói chuyện tốt trước đám đông thì bạn phải chịu khó thực hành. Bạn nên tình nguyện nói chuyện trước một nhóm người (nhóm bạn) vào thời gian rảnh rỗi để làm quen với cảm giác nói trước đám đông. Khi bạn cảm thấy tự tin hơn, bạn có thể nói trước một cuộc họp lớn với nhiều quan chức tham gia. Mục đích của việc này là để bạn tìm ra lỗi lầm của mình trong quá trình nói và tự sửa chữa.
Tập trung vào bức thông điệp của mình
Trong khi nói chuyện trước đám đông, bạn đừng quá bận tâm đến cử tọa. Hãy tập trung vào bài nói chuyện mà bạn cần chuyển tải và giữ mối quan hệ bằng mắt với cử tọa trong mỗi vấn đề bạn định nói. Tất nhiên cũng đừng bỏ quên người nghe, biến mình thành kẻ độc diễn nực cười.
Thực hiện tốt những điều này, chắc chắn bạn sẽ không còn quá lo lắng trước mỗi lần phải nói trước đám đông. Bạn sẽ thấy, không phải mình đang “diễn thuyết” trước những người xa lạ mà đang trò chuyện với những người thân.
0 Nhận xét